Hội thảo “Định hướng quy hoạch và quản lý chất thải rắn phù hợp vùng tây nguyên đến năm 2020”
Cập nhật lúc: 05/05/2015 844
Cập nhật lúc: 05/05/2015 844
HỘI THẢO “ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ
CHẤT THẢI RẮN PHÙ HỢP VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020”
TS. Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên
phát biểu khai mạc Hội thảo
Ngày 17/4/2015, tại tỉnh Đắk Lắk, Trường Đại học Tây Nguyên đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng quy hoạch và quản lý chất thải rắn phù hợp vùng Tây Nguyên đến năm 2020”. Đây là hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ thực hiện Đề tài cấp nhà nước TN3/T21 “Điều tra, đánh giá hiện trạng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn các tỉnh Tây Nguyên và đề xuất phương án quy hoạch, xử lý và quản lý chất thải rắn phù hợp đến năm 2020” thuộc Chương trình Tây Nguyên III “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên”.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo của Trường Đại học Tây Nguyên, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; đại diện các Sở ngành của tỉnh Đắk Lắk như: Xây dựng, Y tế, Tài nguyên và Môi trường ...; Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường tỉnh, Công ty Môi trường Thuần Việt, các đơn vị và cán bộ, sinh viên ngành công nghệ môi trường của Trường Đại học Tây Nguyên.
Nội dung chính của hội thảo là chia sẻ thông tin, bài học của các bên có liên quan về quản lý chất thải rắn vùng Tây Nguyên. Các vấn đề về “Dự báo tình hình phát sinh chất thải tại các tỉnh Tây nguyên đến năm 2020”, “Xây dựng phương án quy hoạch và quản lý chất thải rắn phù hợp với đặc thù của các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2015-2020”... đã được các đại biểu quan tâm và thảo luận sôi nổi.
Với đặc điểm địa hình cũng như phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Nguyên, dân cư phân bố rải rác nên công tác thu gom, xử lý chất thải rắn gặp khá nhiều khó khăn. Trên thực tế, dù đã đạt được nhiều kết quả trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công tác quản lý chất thải rắn tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức. Ý thức về bảo vệ môi trường của người dân tuy đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn thấp; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho công tác thu gom, xử lý chất thải rắn không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra; tiến độ xây dựng các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh nói chung và khu xử lý chất thải nguy hại nói riêng vẫn còn rất chậm, nhiều bãi rác tự phát còn tồn tại, chưa được giải toả. Việc phân loại chất thải tại nguồn mới chỉ được thực hiện thí điểm mà chưa có kế hoạch phổ biến và nhân rộng trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, do hiện nay trên địa bàn 05 tỉnh Tây Nguyên chưa có khu vực xử lý chất thải nguy hại tập trung nên việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại chưa được thực hiện triệt để theo quy định.
Tại Hội thảo, Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ môi trường đã có báo cáo tham luận về xây dựng nhóm giải pháp phân loại, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn ở Tây Nguyên. Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng quản lý chất thải rắn trên địa bàn Tây Nguyên giai đoạn 2010-2012, căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” và Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 22/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030”, Báo cáo đã đề xuất 02 nhóm giải pháp chính là: “Nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển chất thải rắn” và “Nâng cao tỷ lệ tái sử dụng và tái chế chất thải” nhằm mục tiêu đến năm 2020, trên địa bàn Tây nguyên có 95% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, 75% các đô thị vừa và nhỏ có hệ thống, công trình tái chế chất thải rắn, 100% chất thải y tế nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định, giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn còn 20% ... Trong đó, giải pháp cơ bản nhất vẫn là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vệ sinh môi trường; khuyến khích, vận động người dân tham gia các hoạt động thu gom, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải.
Ban chủ nhiệm đề tài TN3/T21 đã giới thiệu Dự thảo báo cáo “Xây dựng phương án quy hoạch và quản lý chất thải rắn phù hợp với đặc thù các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2015-2020” với quan điểm quy hoạch và quản lý chất thải rắn như sau:
- Phương án quy hoạch phải phù hợp với Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và định hướng phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh;
- Phương án quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch ngành đã được UBND các tỉnh phê duyệt;
- Tiếp cận phương thức quản lý chất thải rắn của các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay, đồng thời phù hợp với điều kiện Việt Nam và địa phương;
- Áp dụng công nghệ xử lý hiện đại phù hợp với điều kiện kinh tế, giảm tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp nhằm giảm tác động môi trường, giảm chi phí đầu tư xây dựng và tăng hiệu quả sử dụng đất.
Thông qua hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý chất thải rắn, đặc biệt là quản lý chất thải y tế và chất thải nguy hại; chuyển rác thành tài nguyên thông qua tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu rác thải chuyển đến bãi chôn lấp và bãi lộ thiên.
Ngoài ra, Hội thảo đã dành thời gian để đối tác và các bên có liên quan trao đổi việc thực hiện chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường “Phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải”.
Hoàng Thị Thanh Hương - Chi cục BVMT
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0