Hội thảo lấy ý kiến tham vấn đối với dự thảo báo cáo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đắk lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Cập nhật lúc: 12/09/2016 917
Cập nhật lúc: 12/09/2016 917
HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN THAM VẤN ĐỐI VỚI DỰ THẢO BÁO CÁO
QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH ĐẮK LẮK
ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Ngày 24/8/2016 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham vấn đối với Dự thảo báo cáo “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Hội thảo do ông Y Kanin H’Đơk Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì với sự tham dự của các cơ quan, đơn vị có liên quan như: đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Văn phòng UBND tỉnh, Trường Đại học Tây Nguyên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và quan trắc Môi trường Nông nghiệp Miền Trung và Tây Nguyên; các Sở, ban ngành của tỉnh như: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Y tế, Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh; đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện; Ban quản lý của 06 vườn quốc gia/khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh, Trung tâm Bảo tồn voi và các phòng chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Với mục tiêu trao đổi, tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, và cộng đồng địa phương trong khu vực quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, các chuyên gia của Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ đã có các báo cáo tham luận về các điều kiện phục vụ lập quy hoạch đa dạng sinh học của tỉnh. Các vấn đề về “Hệ sinh thái và đa dạng hệ thực vật”, “Động vật hoang dã - báu vật quý hiếm của tỉnh Đắk Lắk” và dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đã được các đại biểu quan tâm, sôi nổi thảo luận.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận bên lề Hội thảo
Nội dung Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Lắk được xây dựng hướng đến mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các nguồn gen tự nhiên nguy cấp quý hiếm, các nguồn gen cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của tỉnh, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh; căn cứ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã xác định tại Nghị quyết 137/NQ-HĐND ngày 13/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Dự thảo báo cáo đã thiết kế và đưa ra 03 phương án quy hoạch với các yếu tố giả định khác nhau.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều góp ý quan trọng đối với nội dung Báo cáo quy hoạch; nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương cũng như ngay chính trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Nhiều ý kiến đề xuất cần làm rõ hơn quan điểm bảo tồn là cần thiết nhưng yêu cầu bảo tồn phải gắn với phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến đời sống và con người hiện nay; đồng thời yêu cầu quy hoạch phải gắn với thực trạng, điều kiện của tỉnh; trong đó lưu ý đến việc bảo tồn các loài thú lớn như Voi và xu hướng hài hòa giữa phát triển sinh kế của người dân địa phương với bảo tồn thiên nhiên cũng như tính chiến lược và công tác quản lý.
Hội thảo cũng đã đồng thuận với việc chọn phương án quy hoạch là “Điều chỉnh ranh giới, mở rộng hợp lý diện tích trên cơ sở đánh giá thực trạng đa dạng sinh học, tiềm năng về tài nguyên đa dạng sinh học theo Luật Đa dạng sinh học năm 2008, phù hợp với phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh”, tuy nhiên đề nghị nên xem xét kỹ về các dự án ưu tiên, lộ trình thực hiện cũng như cơ chế tài chính, nguồn kinh phí để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Các vấn đề đưa ra tại Hội thảo sẽ giúp Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá một cách tổng thể, khách quan đối với nội dung Quy hoạch; xác định đầy đủ hơn, chính xác hơn về các thông tin, dữ liệu và các vấn đề ưu tiên cần xem xét, triển khai nhằm xây dựng một Quy hoạch hoàn thiện, có tính khả thi và phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Hội thảo cũng là dịp để cơ quan quản lý và các nhà khoa học cùng trao đổi, thống nhất hành động thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Chi cục Bảo vệ môi trường
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0