Những điểm mới của Luật bảo vệ môi trường năm 2014
Cập nhật lúc: 04/02/2015 1433
Cập nhật lúc: 04/02/2015 1433
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2014
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (số 55/2014/QH13) được Quốc Hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Nhiều chính sách mới được triển khai theo hướng phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 là sự thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 gồm 20 chương và 170 điều, tăng 05 chương và 34 điều so với Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005.
Trên tinh thần cụ thể hóa Điều 43 Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã kế thừa những nội dung và cấu trúc cơ bản của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005; khắc phục những hạn chế của những điều khoản còn thiếu tính thực thi; luật hóa những chủ trương, chính sách mới về bảo vệ môi trường; mở rộng và cụ thể hóa một số nội dung về bảo vệ môi trường; xử lý những trùng lặp và mâu thuẫn với các luật khác để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tạo tiền đề pháp lý để xây dựng các nghị định về bảo vệ môi trường và xây dựng các luật về bảo vệ các thành phần môi trường trong tương lai.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 có nhiều điểm mới rất quan trọng:
Thứ nhất là quy hoạch bảo vệ môi trường, đây là nội dung hoàn toàn mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Quy định này giúp chúng ta có tầm nhìn tổng thể, dài hạn và chủ động triển khai công tác bảo vệ môi trường, thực sự gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, an sinh và xã hội; là cơ sở điều chỉnh hoặc xây dựng các quy hoạch phát triển khác, đảm bảo phát triển bền vững.
Thứ hai là việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) có giới hạn hơn, tập trung vào các chiến lược, các quy hoạch; quy định rõ kết quả ĐMC phải được xem xét, tích hợp vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Luật cũng quy định chỉ có 3 nhóm đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giao Chính phủ quy định danh mục các dự án phải lập ĐTM.
Thứ ba là kế hoạch bảo vệ môi trường, một thuật ngữ mới được đưa ra dựa trên cam kết bảo vệ môi trường ở Luật cũ. Tuy nhiên, trong kế hoạch bảo vệ môi trường có những khía cạnh mới, tiến bộ hơn và có thể dễ dàng áp dụng trong điều kiện xã hội hiện nay.
Thứ tư, xây dựng một chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu trong phạm vi điều chỉnh của Luật để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay, thể chế hóa một số nghị quyết của Đảng về nội dung này.
Thứ năm, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 có một chương quy định về bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Chương này chỉ quy định những nội dung cơ bản, có tính nguyên tắc, không có sự trùng lặp với những nội dung dự kiến được xây dựng trong Luật Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng.
Thứ sáu, Luật bổ sung các quy định về tăng trưởng xanh, cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững; các quy định mới về bảo vệ môi trường đất, lưu vực sông, không khí, nước. Các khu vực phát triển kinh tế xã hội như khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề đều có các chế định bảo vệ môi trường. Bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm; kiểm soát chất độc Dioxin có nguồn gốc diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất nói chung và đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, thú y; bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; tái sử dụng chất thải; thời hiệu khởi kiện về môi trường… Bổ sung và làm rõ hơn trách nhiệm công bố thông tin về môi trường, về tình trạng môi trường, trách nhiệm báo cáo công tác quản lý môi trường của cơ quan nhà nước.
Thứ bảy, bổ sung quy định nội dung quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong một điều riêng; quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ khác thay cho quy định cũ giao cho Bộ, ngành, đặc biệt là trách nhiệm xây dựng văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thứ tám, nghĩa vụ và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư đã được quy định tại một chương riêng trong Luật. Đồng thời, Luật này quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc bảo đảm quyền của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.
Kế thừa và phát huy những thành công trong công tác bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 là bước tiến để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới, vì sự phát triển bền vững đất nước và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Hoàng Thị Thanh Hương
Chi cục Bảo vệ môi trường
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0