Thống nhất điều chỉnh các mục tiêu, phạm vi thực hiện để phù hợp nguồn vốn
Cập nhật lúc: 03/07/2014 326
Cập nhật lúc: 03/07/2014 326
Thống nhất điều chỉnh các mục tiêu, phạm vi thực hiện để phù hợp nguồn vốn
Ngày 2/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã có cuộc họp nhằm báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và khắc phục ô nhiễm cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015.
Tới dự và chủ trì có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Ban chỉ đạo Chương trình Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Trí Trung cùng đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng…
Theo báo cáo tình hình triển khai Chương trình tại các địa phương được biết hiện đã có 9/14 địa phương thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình, hiện đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai Chương trình.
Đối với các dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2012 Chương trình đã cấp 55 tỷ đồng cho 4 dự án của 4 tỉnh gồm Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình. Năm 2013 Chương trình đã cấp 50 tỷ đồng cho 4 dự án của 4 tỉnh gồm: Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình. Năm 2014 Chương trình đã cấp kinh phí 60 tỷ đồng cho 5 dự án của 4 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định và Bến Tre. Các dự án làng nghề được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình trong năm 2012, 2013 và năm 2014 hiện mới có 2 tiểu dự án của tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản hoàn thành và 9/11 tiểu dự án đang triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
Đối với các Dự án cải thiện và phục hồi môi trường tại một số khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trong năm 2012, Chương trình đã cấp kinh phí 47,35 tỷ đồng cho 4 dự án của 4 tỉnh và 1 dự án của Bộ TN&MT gồm: Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Năm 2013, Chương trình đã cấp kinh phí là 48 tỷ đồng cho 9 dự án của 6 tỉnh và 1 dự án của Bộ TN&MT gồm: Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Năm 2014, Chương trình tiếp tục cấp 19 tỷ đồng cho 5 dự án của 3 tỉnh và 1 dự án của Bộ TN&MT gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.
Toàn cảnh cuộc họp
Đối với dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên thuộc 3 lưu vực sông trong năm 2012, Chương trình đã cấp kinh phí 40 tỷ đồng và năm 2013, Chương trình đã cấp kinh phí là 30 tỷ đồng cho 2 dự án/ 2 tỉnh thuộc Thái Nguyên và Đồng Nai. Năm 2014, Chương trình đã cấp kinh phí là 10 tỷ đồng cho Dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên. Trong đó, chỉ có tiểu dự án của Thái Nguyên là triển khai hiệu quả, đã hoàn thành 74% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
Sau khi lắng nghe báo cáo các đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng về việc bố trí kinh phí cho thực hiện các tiểu dự án cần phải ưu tiên phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hệ sinh thái bị suy thoái nặng. Bên cạnh đó, cần phải giữ lại những mục tiêu đang thực hiện và phải cố gắng thực hiện cho xong. Đồng thời cũng cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Đối với các địa phương phải làm rõ cam kết của địa phương trong vấn đề vốn đối ứng và đồng vốn phải sử dụng đúng mục đích. Kinh phí sử dụng cho các địa phương nếu không sử dụng đúng mục đích thì phải thu hồi lại nguồn vốn nhằm tránh thất thoát cho ngân sách.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh: Ban chỉ đạo Chương trình thống nhất một số những kiến nghị do Văn phòng Ban chỉ đạo một số đề xuất do tình hình tài chính, kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn. Ban chỉ đạo cũng đồng ý cho phép được điều chỉnh lại mục tiêu và phạm vi thực hiện Chương trình cho phù hợp với nguồn vốn được phân bổ. Ban chỉ đạo cũng sẽ sớm trình Chính phủ sớm sửa đổi, ban hành quy chế quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia trong đó quy định rõ trách nhiệm và cam kết của địa phương trong việc bố trí vốn đối ứng.
Theo Monre.gov.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0