Quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
Cập nhật lúc: 16/05/2025 149
Cập nhật lúc: 16/05/2025 149
Sáng 16/5, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm Nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở chủ trì Hội nghị.
Tham dự còn có đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Phú Thọ và Quảng Ninh; lãnh đạo các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị trực thuộc Sở; doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn Đắk Lắk.
Toàn cảnh Hội nghị
Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Lắk, đóng góp 36,8% vào tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu nông sản, đặc biệt là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, sầu riêng, chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngành nông nghiệp cũng giải quyết việc làm cho gần 70% lao động địa phương…
Đồng chí Nguyễn Văn Hà phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hà cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩn (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan như: Y tế, Công thương, Công an, Quản lý thị trường,... thông qua công tác thông tin tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và cả khởi tố đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước và chấp hành những quy định về ATTP của các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản nói chung. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản chủ lực như cà phê, macca, rau, củ, quả, ... cơ bản đáp ứng yêu cầu ATTP. Bên cạnh đó, điều kiện ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cải thiện hơn, số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP ngày càng tăng.
Đồng chí Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản báo cáo tại Hội nghị
Đến nay, Đắk Lắk có 616 cơ sở được cấp giấy Chứng nhận ATTP ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 123 chuỗi liên kết do các cấp chính quyền thực hiện, ngoài ra còn có khoảng 10 chuỗi do doanh nghiệp (DN) và người nông dân tự liên kết. Toàn tỉnh cũng có khoảng 150 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN; có khoảng 34 DN và 276 trang trại, gia trại tham gia liên kết với nhau; số hộ nông dân tham gia liên kết khoảng 15.525 hộ; có 5 tổ chức khoa học tham gia liên kết. Việc xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang được các cấp, các ngành cũng như các DN, HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả nhất định, góp phần không nhỏ trong việc quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông, lâm, thuỷ sản. Trong năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra 100 cơ sở, xử phạt 10 cơ sở vi phạm với số tiền vi phạm gần 195 triệu đồng...
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm chia sẻ một số nội dung tại Hội nghị
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý chất lượng, ATTP tại Đắk Lắk vẫn còn nhiều hạn chế như: tỷ lệ sản xuất theo chuỗi, theo tiêu chuẩn chứng nhận và có truy xuất nguồn gốc còn thấp; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tuân thủ đầy đủ quy định ATTP; việc kiểm tra, lấy mẫu tại các vùng sản xuất gặp khó khăn do người dân chưa hợp tác…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, chú trọng các giải pháp phát triển vùng sản xuất an toàn, xây dựng hệ sinh thái trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phẩm để kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào và đầu ra… Đặc biệt, vấn đề kiểm soát dư lượng chất bảo vệ thực vật, nhất là chất cadimi và vàng O trên mặt hàng sầu riêng xuất khẩu được quan tâm bàn thảo nhằm tìm ra các giải pháp cấp bách, giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc hiện nay trước khi mùa vụ sầu riêng Đắk Lắk bước vào thu hoạch và xuất khẩu. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông các địa chỉ sản xuất, xuất khẩu nông sản bảo đảm chất lượng, có trách nhiệm để thông tin rộng rãi trong nước và nước ngoài…
Khánh Toàn – Văn phòng Sở
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0